Ngân hàng Bản Việt triển khai “Chuẩn mực báo cáo tài chính Quốc tế số 9 – IFRS9”
11/06/2020
(TP. Hồ Chí Minh, ngày 11/06/2020), Ngân hàng Bản Việt chính thức triển khai dự án “Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế Số 9 (IFRS 9)” với sự tư vấn toàn diện của Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG (KPMG).
IFRS 9 là một trong số các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được ban hành bởi Uỷ ban Báo cáo Tài chính quốc tế IASB thay cho chuẩn mực cũ là IAS39 từ năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo dự thảo lộ trình IFRS do Bộ Tài chính công bố tháng 03/2019, từ sau năm 2025 trở đi IFRS được áp dụng đối với báo cáo tài chính hợp nhất. Chính vì vậy, ngân hàng Bản Việt đã phối hợp với KPMG để xúc tiến triển khai một trong những chuẩn mực quan trọng nhất của IFRS 9: Công cụ tài chính.
IFRS 9 được coi là chuẩn mực “xương sống”, có ảnh hưởng trọng yếu tới số liệu tài chính. Việc áp dụng IFRS 9 đi liền với những thay đổi tích cực về mô hình rủi ro tín dụng, tăng cường quản trị và kiểm soát quy trình kế toán, cũng như phối hợp chặt chẽ hơn giữa chức năng rủi ro và tài chính. Sau khi hoàn thành dự án này, Ngân hàng Bản Việt sẽ là một trong những ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tuân thủ chuẩn mực IFRS 9.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Warrick Cleine – Chủ Tịch HĐQT, Tổng Giám Đốc KPMG cho biết “Với kinh nghiệm sâu rộng về triển khai các dự án liên quan đến IFRS 9 trong và ngoài nước, KPMG cam kết đồng hành và hỗ trợ Ngân hàng Bản Việt trong suốt quá trình triển khai dự án, bao gồm việc xác định độ chênh lệch; thiết kế, triển khai chuyển đổi các chính sách kế toán; hệ thống và quy trình xử lý; đào tạo nhân lực, đảm bảo chất lượng và đáp ứng kỳ vọng đã đề ra.”
Về phía Ngân hàng Bản Việt, ông Phạm Anh Tú, Phó Tổng Giám Đốc tài chính cũng chia sẻ “Việc tuân thủ chuẩn mực IFRS9 sẽ minh chứng cho tính ổn định hệ thống, minh bạch trong báo cáo tài chính và hiệu quả trong công tác quản trị rủi ro của ngân hàng Bản Việt. Đây cũng là chiến lược quan trọng trong quá trình chuyển đổi của ngân hàng để hướng đến các chuẩn mực quốc tế cũng như củng cố niềm tin của khách hàng, đối tác”.
Trong năm 2019, Ngân hàng Bản Việt cũng được ghi nhận là một trong 12 ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II trước hạn, đồng thời 2/2020, ngân hàng tiếp tục triển khai dự án Basel II nâng cao “Xây dựng quy trình đánh giá mức độ đủ vốn (ICAAP)” và là một trong nhóm các ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC.
Về Ngân hàng Bản Việt:
Ngân hàng Bản Việt được thành lập từ năm 1992. Trải qua 27 năm hoạt động, với nhiều thay đổi, đến nay với tầm nhìn và chiến lược kinh doanh đúng đắn, Ngân hàng Bản Việt đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính ngân hàng với khả năng đáp ứng linh hoạt các nhu cầu đa dạng về sản phẩm dịch vụ, tiện ích của khách hàng. Ngân hàng đã hoạch định và triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2016 – 2020 với với thông điệp “Chúng tôi bắt đầu từ BẠN” để mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại, hướng đến khách hàng.
Về KPMG:
KPMG Việt Nam được thành lập năm 1994, là một trong những công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất cả nước, bao gồm dịch vụ Kiểm toán, Tư vấn Giao dịch – Thuế & Pháp lý và Tư vấn. KPMG có văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Với hơn 25 năm kinh nghiệm, cùng mạng lưới hơn 1,700 nhân viên và 47 Phó Tổng Giám đốc tại Việt Nam và Campuchia, KPMG đã hợp tác với hơn 6,000 khách hàng trong nước và quốc tế ở nhiều lĩnh vực: Dịch vụ Tài chính, Bất động sản và Xây dựng, Năng lượng và Cơ sở Hạ tầng, Tiêu dùng và Bán lẻ, v.v.
Về IFRS 9:
Sau hơn 5 năm phát triển, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) đã công bố ban hành “Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế số 9 (IFRS 9)” về kế toán công cụ tài chính vào tháng 07/2014. IFRS 9 thay thế Chuẩn mực Kế toán Quốc tế 39 (IAS 39) từ ngày 01/01 năm 2018 và đã được áp dụng bởi các định chế tài chính trên toàn cầu.
Là một trong những chuẩn mực có ảnh hưởng lớn nhất đối với báo cáo tài chính được lập theo các Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, IFRS 9 đưa ra những thay đổi quan trọng về kế toán công cụ tài chính đối với các ngân hàng trong đó đáng kể nhất là thay đổi về phương pháp ước tính tổn thất tín dụng. Theo đó việc ước tính và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng sẽ được thực hiện theo mô hình lỗ tổn thất tín dụng dự kiến (Expected Credit Loss Model), thay thế cho mô hình lỗ tổn thất tín dụng đã phát sinh (Incurred Loss Mode) theo quy định của IAS 39.